Cuộc Nam tiến của dòng họ Vũ - Blog Họ Vũ Hữu Tộc - 武有

Cuộc Nam tiến của dòng họ Vũ

Cuộc Nam tiến của dòng họ Vũ 9/28/2017

I.  Bối cảnh lịch sử của thời Lý – Trần:

Nước Đại Việt trước đời Vua Lý Thánh Tông, cuối thế kỷ XI biên thùy phía Nam mới chỉ có đến đỉnh núi Hoành Sơn (Đèo Ngang) hay bờ Bắc sông Gianh thôi? Trước đó, vào thời Lý Nam Đế, thế kỷ VI và thời Tùy Đường đô hộ Giao Châu, biên giới chỉ ở Nam sông Lam? Sau đó, quân dân ta lấn dần từ năm 545 đến 980 thì chiếm đến Hoàng Sơn.

Cuộc Nam tiến của dòng họ Vũ

Năm 1069 (Kỷ Dậu), nước Chiêm Thành sang nước Đại Việt quấy rối đánh phá nhiều lần giống như thời Vua trước Lý Thánh Tông. Quân ta đã đánh tan quân Chiêm năm 1044 (Giáp Thân) bắt được nhiều tù binh và chiến lợi phẩm. Giết được Vua Chiêm là Xạ Đẩu. Hai mươi lăm năm sau, đời Vua Lý Thánh Tông, thấy chúng lại cướp phá, vau Thánh Tông lại thân chinh đem binh đi  đánh, bắt được Vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chiêm xin dâng đất 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (Bắc Quảng Trị ngày nay) để xin tha mạng sống. Từ đó (1069) trên danh nghĩa 3 châu đó là của nước ta. Vua cho các quan quân tiến vào đồn trú giữ đất mới từ Hoành Sơn đến phía Bắc sông cửa Việt (Gio Linh, Vĩnh Linh). Sau đó, triều đình cho di dân nghèo vào khai hoang lập ấp, mở ruộng vườn ở vùng dọc ven biển. Sống chung với quân đồn trú nhà Lý.

Sự di dân này ban đầu không nhiều người Việt. Chỉ vài trăm gia đình nghèo quê ở Xứ Nghệ, Xứ Thanh thôi? Có lẽ đấy là việc di dân đầu tiên của cuộc Nam tiến chính thức từ 1070 – 1127 (hết đời Vua Lý Nhân Tông). Nhưng trong vài chục năm đó (57 năm), vua Lý sai tướng giỏi là Thái Úy Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành vào năm 1076. Vì chúng đòi đất cứ dâng Vua ta và còn âm mưu với Chân Lạp (theo lệnh ngầm của Quách Quì, Vương An Thạch nhà Tống xúi bẩy) phá rối biên cương phía Nam nước ta. Rồi lại đánh Chiêm lần nữa năm Giáp Thân (1104) do Lý Thường Kiệt chỉ huy thắng lợi và lấy lại đất 3 Châu đó. Nhưng cư dân Việt đã chạy ra xứ Nghệ?

Như thế sự di dân Nam tiến không thể nhiều được? Phần lớn là các quan quân nhà Lý đã trấn thủ lưu đồn giữ đất biên giới, khai khẩn đồn điền ở ven sông và gần biển Đông. Và quân ta sống lẫn với người Chiêm ở đất mới, đã lấy vợ người Chiêm ở 3 Châu trong hơn 230 năm (từ 1070 – 1307). Rồi sinh ra lớp con cháu tóc hơi quăn, da hơi ngăm, giọng nói pha ngôn ngữ Chiêm và Tiếng Việt Cổ: Mô, Tê, Ni, Nớ, Răng, Rứa … đến nay còn đa số sống ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị … về sau lan vào Thuận Hóa. Và thực tế trong hơn hai thế kỷ (từ Lý đến giữa đời Trần). Vua và quan quân nước Chiêm đã nhiều lần không cho biên thùy phía Nam Đại Việt được yên ổn. Chúng đánh phá luôn luôn, hễ Vua quan chúng mạnh, thấy nước ta rối ren, suy yếu, lại đem quân sang nước ta đòi đất, đánh phá. Vua nước ta lại cho tướng sĩ đi đánh. Và sự di dân vào 3 Châu đó (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) vẫn không ồ ạt. Vì mất an ninh nên không thể an cư lạc nghiệp, khó có thể lập ấp sống lâu bền ở vùng đất mới? Chúng tôi cho rằng: cuộc di dân qui mối bắt đầu vào Nam Đèo Ngang và toàn vùng Bố Chính cũ (Quảng Bình nay) có tính qui mô và chiến lược “Tằm ăn lá” và “vết dầu loang” của các triều đình Trần, Hồ, Lê, Nguyễn đã rất gian nan và hào hùng anh dũng.

Đầu tiên, được đất 1 cách hòa hiếu là năm 1305, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã vãng du qua nước Chiêm Thành, được Vua Chiêm đón rước rất trọng hậu coi như Cha và hứa không đánh phá biên giới và đòi đất nữa. Thượng Hoàng hứa gã con gái là Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mãn (Vua Chiêm). Nêm năm Bính Ngọ (1306), Chế Mãn sai bầy tôi là bọn Chế Bồ Đài mang tờ biểu, vàng, bạc, hương liệu quý lạ và các sản vật đáng giá, cùng dâng đất 2 châu Ô, Rí (quận Urik của Chiêm Quốc) làm sính lễ. Mùa hạ, tháng 6 năm đó, Vua Anh Tông thừa lệnh Thượng hoàng Nhân Tông gã em gái cho Vua Chiêm. Sai các quan văn võ hộ tống đưa dâu về nước Chiêm. Có quan Đoàn Nhữ Hài là Hành Khiển Đô Ngự Sử, thay vua Trần tiễn công chức về nhà chồng đến biên thùy, quay về. Năm sau, Đinh Mùi (1307), Vua Anh Tông cử quan Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài đem 1 đoàn quan quân vào tiếp quản đất nơi được Chế Mãn dâng vua Trần làm vật dẫn cưới. Đó là Mùa Xuân, tháng Giêng, ông Đoàn Nhữ Hài và phái đoàn và 2 Châu ô, Rí đổi trên là Thuận Châu (nam Quảng Trị, từ Đông Hà và sông Cửa Việt trở vào đến huyện Phong Điền) và Hóa Châu (là Thừa Thiên Huế, từ Nam Quảng Điền đến Hải Vân Sơn). Từ đó, biên cương ta trải xuống núi Hải Vân, dài thêm vài trăm dặm.

Bắt đầu, thời Trần Anh Tông, từ 1307 trở đi đến lúc Chế Bồng Nga hùng mạnh khoảng 1370. Vì các quan ta đa sự, xúi giục Vua đem quân sang Chiêm Thành viếng Chế Mãn vào tháng 6/1308. Rồi trở mặt, cướp Công Chúa Huyền Trân là ái phi của Vua Chiêm đem về. Vì thế, Vua Chiêm kế vị là Chế Chí và quan quân Chiêm đem đại bịnh tràn đánh vùng biên ải rất mãnh liệt. Quan quân Đại Việt đánh đuổi rất vất vã, giàng đất đai quá gian nan, tốn xương máu sinh linh 2 bên khá nhiều! Tính tổng cộng trong 80 năm (1309 – 1389) quân Chiêm phá rối vùng Châu Hóa, Châu Thuận, phủ Lâm Bình (tiền thân của Tân Bình, sau là Quảng Bình) và Nghệ An (Lúc đó có cả Hà Tỉnh nay), Thanh Hóa; Thậm chí, đánh chiếm, phá hủy tan tành cung điện nhà Trần ở Thăng Long 2, 3 lần. Vua quan Nhà Trần bỏ chạy, và năm 1377, Vua Trần Duệ Tông còn thất trận và chết thảm ở thành Chà Bàn (tức Đồ Bàn, gần Qui Nhơn nay và đầm Thi Nại). Quân dân ta thua thiệt phải bỏ về Quảng Bình, Nghệ An để phòng thủ.

Như thế, rõ ràng sau khi vua Trần Anh Tông lấy được 2 Châu Ô, Rí (Thuận Hóa) (1307 – 1314). Đã có 1 số người Việt và quan quân đã di dân vào đất Bố Chính (Lâm Bình) và Địa Lý, Ma Linh (Quảng Trị nay) sống chung với người bản địa Chiêm và có cả bộ tộc Pa-Cô, Vân Kiều ở Đông Trường Sơn lúc đó. Nhưng cũng không đông quá vài ba ngàn quân dân Đại Việt vào khai hoang từ thời Lý đến Trần. Vì an ninh bất ổn do quân dân Chiêm luôn quấy phá, xâm lược. Tất nhiên, chúng phá phách các làng Việt, đốt nhà, cướp của, giết người thường xuyên. Sự định cư ở Đất Mới (từ Bố Chính xuống Thuận Hóa Châu), chẳng yên ổn bao năm. Riêng cá nhân hay gia tộc Vũ đến Bố Chính, Thuận Hóa chưa có chứng cớ?

Trong số người đi tiên phong ở rãi rác từ Sông Gianh vào đến Hải Vân. Ban đầu có các dòng họ: TRẦN, NGUYỄN, LÊ, PHẠM, ĐINH, LƯƠNG, HOÀNG, ĐẶNG, PHAN, BÙI, TRƯƠNG, ĐOÀN, PHÙNG, ĐỖ, HỒ … là có mặt sớm nhất và phổ thông hơn cả? Còn họ Vũ lúc đó chưa thấy sử sách, gia phả cũ nào ghi nhận cả! Nếu có là vô danh và không chứng tích để lại. Chúng tôi không dám phỏng đoán và viết ra.

II.     Họ VŨ – VÕ đã có mặt ở phía Nam Đèo Ngang từ thời nào?

Theo ý riêng của tôi dựa vào Quốc Sử và Gia Phả. Cho đến thời Nhà Lý (1010 – 1225) chắc hẳn họ Vũ gốc ở thôn Khả Mộ, huyện Đường An, đất Hồng Châu. Chỉ mới lan tỏa về phía Nam, có lẽ mới trú ngụ ở Thanh Hóa (tức Châu Ái)? Chứ chưa thể nào có người họ Vũ vào sống lâu dài (định cư) ở đất Hoan Diễn (tức xứ Nghệ An)? Ngay ở xứ Thanh, họ Vũ cũng không quá chục người 2 bên bờ sông Mã và các huyện gần biển và Trung du? Bấy giờ còn rừng cây rậm rạp, chưa khai hoang nhiều như đời Trần (1226 – 1400). Các danh nhân họ Vũ đời Lý mới có ở Bắc Bộ.

Quốc sử (Đại Việt sử lược, Đ.V Sử ký toàn thư) chỉ nhắc đến 6, 7 nhân vật họ Vũ thôi. Như Thượng tướng Vũ Ba Tư (sống đời Lý Thái Tông 1028 – 1054); Tướng chỉ huy sứ Vũ Nhị (năm 1053 cứu viện Vùng Trí Cao đánh Tống Địch Thanh). Vũ Tán Đường (chức Tham Tri Chính Sự, ngang Thứ Trưởng nội vụ ngày nay). Đời Lý Cao Tông (1176 – 1210). Còn Vũ Cao, Vũ Lợi, Vũ Hốt, Vũ Mâu (là Tổ 5 đời bà Vũ Thị Tất Giới ở ấp Khả Mộ) đều là những người có chức vụ sống dưới triều Lý. Có lẽ, lúc này họ Vũ ở từ Hồng Châu xuống đến Thanh Hóa chưa đông đúc như đời Lê.

Đến thời Trần, sử có nhắc đến các nhân vật Vũ Vị (phủ) đỗ Thông Tam Giáo khoa thi năm 1247. Rồi anh em Thái Học sinh Vũ Nghêu Tá, Vũ Nông (Hán Bi) là con ông Hàm Tăng Thống Vũ Nạp (phả họ Vũ ở Mộ Trạch). Hai ông này làm quan đời Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) và Hiến Tông (1329 – 1341) chức vụ rất lớn. ngoài ra còn thấy có Tuyên Uy Tướng – Quân Vũ Tư Hoành bị chết trận đánh quân giặc Ngưu Hống (ở cao nguyên và núi đá sông Đà, có lẽ là 1 bộ tộc Thái hay Dao?) khoảng năm Kỷ Tỵ (1329) {ĐVSK. Tiền Biên, Ngô Thì Sĩ, bản dịch, trang 429}.

Thời nhà Trần (1226 – 1400) chắc hẳn, họ Vũ ở Sơn Nam, Hải Dương đã có người đi vào sống ở xứ Nghệ, xứ Bố Chính, chừng vài người và lập nghiệp ở đó rồi? Ngoài ra còn thấy có một số nhỏ người họ Vũ gốc xưa ở Đường An Huyện, theo công cụ hoặc đi lính thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông (1255 – 1288) phải vào đóng quân hay phục vụ ở đất Hoan, Diễn, Hà Hoa (tiền thân Hà Tĩnh thời Nguyễn). Hoặc đi theo quan hành khiển họ Đoàn cũng là đồng hương ở Hồng Châu, vào kinh lược 2 châu Ô Rí năm Đinh Mùi (1307)? Cùng với các người họ (Phạm, Đoàn, Trần, Lê, Nguyễn … Ở Đường An, ở Tân Minh (Tiêng Lãng), Tứ Kỳ, Trường Tân (Gia Lộc), Chí Linh, Nghi Dương, An Dương, Phí Gia (Kim Thành), Giáp Sơn (Kinh Môn), Thủy Đường (Thủy Nguyên) và xứ Sơn Nam, cùng Thanh Hoa Ngoại Trấn (nay là Ninh Bình) đi vào Thanh Hóa, Nghệ An làm nhiệm vụ rồi lở lại đó?

Chúng tôi cho rằng: Cuối đời Trần Hồ (1390 – 1407), người Việt nói chung đã đi vào sống ở Hóa Châu, gần núi Hải Vân. Trong 18 dòng họ phổ thông nhất của “Trăm họ” (Bách Tính), Đại Việt lúc ấy. Có người họ Vũ thâm nhập vào phủ Thăng Hoa tức đất Đại Chiêm sống ở đó từ trước 1390? Bấy giờ là còn của nước Chiêm Thành. Đó là ông Vũ Uy (1390 – 1424)[1], bình Ngô khai quốc công thần, lập nghiệp ở xã Đa Cảng thuộc huyện Nông Cống khoảng từ 1415, 1416? Trong Gia phả họ tướng Vũ Uy, đã ghi rõ: “Ông là người Chiêm Thành, ra phò 2 Vua hậu Trần, chống nhà Hồ và quân giặc Minh (từ 1405 – 1424). Sau ông ra Thanh Hóa theo Bình Định Vương Lê Lợi ở Lam Sơn, đánh giặc nhiều công trạng. Chẳng may, năm 1424, tướng Vũ Uy mới 35 tuổi, bị tử trận lúc đánh giặc Ai Lao?

Từ thời đánh đuổi xong giặc Minh ra khỏi bờ cõi, thì biên cương phía Nam vẫn còn bị quân Chiêm đánh phá nhiều phen. Sau cuộc di dân và đánh chiếm 2 Châu Đại Chiêm, Cổ Lũy của quân Nhà Hồ (1400 – 1407) vào những năm 1401 và 1402 (Nhâm Ngọ). Mùa thu tháng 7/ năm này, Hồ Hán Thương (niên hiệu Thiệu Thành) đã sai Đô tướng Đỗ Nãm và 2 quan to trong triệu là Nguyễn Vị và Nguyễn Băng Cử đem 1 trăm ngàn quân Việt vào đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm lúc đó là Ba Đích Lại thấy bị thua chết tướng tiên phong Chế Tra Nan, có ý sợ, nên sai người cậu là Bố Điền đem dâng vua Hán Thương 2 con voi lớn (1 trắng, 1 đen). Bố Điền ra Tây Đô (Thanh Hóa) xin Thượng Hoàng Quí Ly bãi binh và xin dâng đất Chiêm Động hay còn gọi là Đại Chiêm (nay là toàn bộ Quảng Nam Đà Nẵng). Quí Ly bắt ép phải thay đổi tờ biểu khác và dâng nộp luôn cả đất Cổ Lũy (nay là Quảng Ngãi). Vua Hồ Hán Thương đã nhận 2 Châu đó và cho đổi thành 4 châu có tên là: THĂNG, HOA, TƯ, NGHĨA. Rồi đặt An Phủ Sứ và phó sứ Lộ Thăng Hoa để cai trị. Vua Nhà Hồ cho tổ chức di dân qui mô vào khai phá, lập ấp, lập điền, khai canh khai cư từnăm 1403. Nhưng chẳng may do thiếu điều nghiên, nên 1 số thuyền mành, ghe bàu đưa dân Việt từ Sơn Nam, Thanh Nghệ vào 4 châu (tiền thân của Nam, Ngãi). Đã bị bão tố, sóng dữ làm chìm đắm, chết nhiều người đi dân (Quốc sử chép rõ việc này). Nên việc di dân tạm bỏ. Nhưng đã có vài ngàn quan quân Nhà Hồ phải trấn thủ lâu ngày ở 4 Châu đó. Sau nữa, quân giặc Minh qua đánh bại nhà Hồ và chiếm nước ta (1407 – 1427). Đám quan quân Việt viễn chinh không thể quay về Bắc Đèo Ngang nữa. Đã phải ở lại, ít nhất có vài ngàn người phải sống và chấp nhận quê hương mới ở vùng Nam sông Trà Khúc, sau là huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và trở thành thủy Tổ họ Đỗ của Nam, Ngãi về sau. Nay còn gia phả, như ông Đỗ Đình Truật cho biết thế).

Trong số quân Việt ở lại xứ Quảng sau năm 1407, tất nhiên có rất nhiều ông mang các họ: NGUYỄN, TRẦN, LÊ, PHẠM, BÙI, ĐỖ … và phải có vài người họ Vũ nữa? Trong các chuyến du khảo miền Nam Trung Bộ, phía dưới Hải Vân Sơn, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Nhiều cố lão nông dân kể lại: dòng tộc này, dòng tộc nọ đã có từ thời Hồ Quí Ly, Hán Thương đưa vào cách nay 600 năm rồi? Nhưng chỉ có 2% đến 4% là có từ đầu thế lỷ 15, còn lại 30% tự nhận tổ tiên theo Vua Lê Thánh Tông (1471) đi vào đánh quân Chiêm rồi ở lại. Cũng có 40% đã nhận có thủy tổ theo tướng Bùi Tá Hán và Chúa Nguyễn Hoàng, cùng ông Trấn thư Tống Phúc Trị vào sống từ năm 1545 đến 1600? Nhiều dòng họ Võ tự cho là đã theo Chúa iên Nguyễn Hoàng vào Bình Trị Thiên từ năm Mậu Ngọ (1558) và năm Canh Tý (1600). Còn lại 25% các dòng họ ở Đàng Trong, có gia phả xác nhận, di cư bằng đường biển từ Hải Dương vào Nam, Ngãi sau năm 1593, nhà nhà Mạc tan rã ở Thăng Long năm 1592. Quan quân nhà Lê Trịnh truy nã, tàn sát nhiều gia đình theo nhà Mạc. Chiến tranh mãnh liệt, tàn khốc từ năm 1590 đến 1600 ở phía Đông Bắc, Đông và Đông Nam của Thăng Long. Thời gian đó có hàng ngàn người Hài Dương, Sơn Nam (sau là Thái Bình, Nam Định đã vượt biển vào phía Nam (sau 1627 gọi là Đàng Trong) để tị nạn chiến tranh và đào thoát chính trị. Trong số đó có nhiều người họ Vũ cùng “trăm Họ” ở Đàng Ngoài cùng ra đi tìm đất sống mới khi nhà Mạc tan rã. Rõ rệt là các dòng Võ tộc ở Quảng Bình, ở Quảng Trị, Thừa Thiên và Nam, Ngãi. Như các họ Võ lớn ở 1 số thôn xã tại Quảng Ngãi thuộc huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức … đã cho biết thế.

Có nhiều dòng họ Võ ra đi tị nạn, đã không dám nói tông tích ở đâu? Chỉ biết có cụ Tổ đầu tiên từ miền Bắc đi vô, đến nay được 20 đời, 18 đời, 16 – 14 đời, hoặc mới có 10 đời thôi.

Một đặc điểm là 80% đến 90% các dòng Võ tộc ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, cho tới Bình Thuận. Đa phần, đã lập nghiệp chừng 12 – 13 thế hệ, và khoảng từ 8 – 10 đời là phổ thông nhất ở dưới vùng Nam Ngãi. Nghĩa là tổ tiên không từ Bắc Bộ, Thanh, Nghệ, Tĩnh đi vào. Mà đa số có tổ tiên từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình di cư từ lúc quân lực họ Trịnh tràn xuống Nam sông Gianh năm 1774 – 1779 chiếm đến Quảng Nam, để cai quản. Rồi Tây Sơn nổi dậy đánh ra Quảng Ngãi – Nam chiến lại Phú Xuân từ tay họ rịnh. Một cuộc di tản hỗn loạn, tan vỡ, các dòng họ, gia đình ở Đàng Trong rất khốc liệt cho hàng vạn chi phái tộc họ nói chung. Có thể, người ta phù thịnh nên di cư vào Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Phù Lỳ (Cát), Tuy Viễn, An Nhơn, Tuy Phước là đất của nhà Tây Sơn (1771 – 1802) thưở đó. Đất của Vua Thái Đức (Trung ương Hoàng Đế, Nguyễn Nhạc). Nhưng các dòng họ của danh tướng Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Võ Xuân Hoài, Võ Văn Cao, Võ Văn Huấn và Võ Văn Nhâm (quê ở Quảng Nam), Võ Văn Lợi (tùy tướng của Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ, đã được lệnh giết Văn Nhậm lộng quyền năm 1787) đa số đều  đã di dân từ Quảng Nam Ngãi và Hải Dương vào Bình Định (tên xưa là phủ Hoài Nhân) từ 1 đến 3 đời trước khi Tây Sơn khởi nghĩa (1770). Họ đã theo Tây Sơn từ ban đầu, và sau đó phò tá Nguyễn Huệ (Quang Trung) tiến ra Phú Xuân, rồi Bắc tiến phò Lê diệt Trịnh (1786 – 1788). Tiếp theo đại phá quân Thanh ở Thăng Long và Bắc Bộ năm 1789. Công lao đó có 1 phần không nhỏ của các danh tướng họ Võ ở Tây Sơn – Bình Định. Đáng kể là danh nhân, danh tướng Đại Đô Đốc, Đại Tư mã Võ Văn Dũng, 1 anh hùng đắc lực nhất của nhà Tây Sơn (1778 – 1802).

Trở lại trước thời các Chúa Nguyễn suy tàn (1765 – 1777) và Tây Sơn khởi nghĩa và thắng lợi (31 năm : 1771 – 1802. Ở phía Nam Hoành Sơn là Đất ban đầu của Nhà Lê lấy lại và khai phá quản lý từ thời Hồng Đức (Thánh Tôn) 1471 trở đi, đến thời Mạc cai quản 1547. Các sử sách có nhắc đến nhiều danh nhân họ Phan, Nguyễn, Lê, Trần, Trương, Phạm, Đỗ, Bùi, Hoàng, Lương, Dương, Mai, Hồ, Cao, Hà và họ Đặng. Đó là những quan chức văn võ từ thời nhà Hồ (1400 – 1407) và thời Hậu Trần (1405 – 1413). Rồi còn, danh nhân, nhân sĩ đời Lê Sơ (1428 – 1527) và đời Mạc nữa (1527 – 1560 đang thịnh vượng) đang có quân lực ở từ xứ Nghệ đến xứ Quảng. Như trong sách cổ: “Ô Châu cận Lục” của Tiến sĩ đời nhà Mạc (đỗ năm 1547) quê ở phủ Quảng Bình (tức Tân Bình Cũ) nhuận sắc, hiệu đính năm 1555, ấn hành ở Thăng Long (đến nay còn giữ được và cho dịch, phổ biến). Sách này cho biết, có 2 ông họ Vũ là:

1.   VŨ TRI GIÁM: (người làng An Xá, huyện Lệ Thủy, có học thức cao. Đã đỗ đầu 1 khoa thi Hương giữa thời Mạc Đại Chính (1530 -1540). Khoảng đời Vĩnh Định, Cảnh Lịch (Mạc Phúc Nguyên 1547 – 1548) ôngthi hội nhiều lần trúng tam trường. Khi Nhà Mạc có biến (1548 – 1549) nội bộ chia rẽ, Lê Bá Ly và Trạng Nguyễn Tiến cùng gia quyến bỏ nhà Mạc, vào Thanh Hóa theo tập đoàn Lê Trung Tông và Trịnh Kiểm. Ông Vũ Tri Giám đang ở tại Kinh đô Thăng Long, đã thấy tình thế, quay về vùng Thanh Hóa theo nhà Lê – Trịnh và thọ tang mẹ chết. Sau đó, làm ngụy quan cho bọn Trịnh Kiểm. Ông bị nhân sĩ, nho sĩ dè bĩu (khinh rẽ). Về sau, ông hối hận, quay về theo nhà Mạc và được bổ làm quan Huấn Đạo ở phủ Triệu Phong (Quảng Trị, Thừa Thiên và Bắc Quảng Nam nay).

Nên biết thêm: Làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình gần đây chính là quê hương của dòng họ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không rõ, có liên quan đến tổ tiên dòng họ Võ nhà cụ Đại tướng không? (Xem Ô Châu Cận Lục, bản dịch của cụ Cử Bùi Lương (1960) và Trần Đại Vinh, cùng Hoàng Văn Phúc, NXB Thuận Hóa, Huế 2001, trang 131).

2.   VŨ NẬU:  Ông là người làng Hành Phổ, huyện Khang Lộc (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Huyện này ở trên huyện Lệ Thủy, dưới huyện Bố Trạch, sát thành phố Đồng Hới và có thủ phủ là thị trận Quán Hàu. Xã An Ninh nằm trên quốc lộ 15 và đường xe lửa Bắc Nam đi qua xã). Ông Nậu từng làm chức Tướng Thần huyện này thời Nhà Mạc (1527 – 1541) [Tướng Thần là chức vụ xưa phụ trách an ninh, quốc phòng ở phủ và huyện]. Khi Dương Liễn, quê ở Tuy Lộc huyện Lệ Thủy [có họ hàng với Dương Văn An (Tiến sĩ 1547, tác giả Ô Châu Cận Lục). Liễn theo Trịnh Kiểm, nổi loạn chống nhà Mạc, phò Lê Trịnh khoảng năm 1533 – 40? Sau bị quan quân nhà Mạc giết]. Ông Vũ Nậu đã không theo Dương Liễn, mà trốn ra Đạo Nghệ An, đón quan quân (Nhà Mạc) về bản Đạo (phủ Tân Bình) dẹp giặc “Nghịch Liễn”. Ông vốn dũng cảm và có mưu lược, nên về sau được Thái Tổ Thượng Hoàng (Mạc Đăng Dung) tin dùng và biệt đãi, đã phong cho chức Hiệu Úy. Rồi sau thăng chức Thiêm Đồng Chỉ huy sức ở bản Ty Lương Vũ. Tiếp nữa thăng chức Tổng Tri Vệ Hưng Quốc (như chỉ huy Trưởng một đạo quân bảo vệ đất nước. Rồi ông bị bệnh mất khi đang làm võ quan” (sđd, trang 135).

Có lẽ 2 nhân vật họ Vũ (Võ) nói trên là 2 vị có danh phận đầu tiên của các chi phái họ Vũ ở Quảng Bình (phủ Tân Bình) thời Lê tàn, Mạ thịnh (1516 – 1547). Như thế, 2 dòng họ Vũ này đã có trước thời ba tướng trấn thủ Bùi Tá Hán, Tống Phúc Trị, và Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và Thăng Hoa, Tư Nghĩa phủ khoảng vài chục năm.

Đến thời các Chúa Nguyễn (1558 – 1777) ở Đàng Trong, chống lại các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) trong 175 năm (1600 – 1775). Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của Triều Nguyễn, đã nêu tên 1 số nhân vật họ Võ (Vũ) nữa phía Nam sông Gianh. Như các ông:

3.   VŨ PHI THỪA (thế kỷ 17): quê quán ông rõ ràng thì chưa biết. Nhưng gốc cũ ở Thanh Hóa, có tổ tiên đi theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa từ năm 1558. Đến ông đã 4, 5 đời. Có lẽ quê ở phủ Triệu Phong (Quảng Trị, Thừa Thiên)? Đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (Dũng Quận Công: 1648 – 1687), ông làm chức Ký Lục (như Tri Phủ về sau). Đã góp ý khuyên Chúa chấn chỉnh việc kiểm tra ruộng đất, và thu thuế nông sản giúp cho quân đội đủ lương đánh nhau với quân Chúa Trịnh. Chúa nghe lời ông và có kết quả binh lương tốt. Về sau, trong trận cuối, quân lực Đàng Ngoài, do Cha con Trịnh Tạc và Trịnh Căn thống lĩnh vào Bắc Sông Gianh đánh họ Nguyễn năm Nhâm Tý (1672) ở vùng Bố Chính (địa đầu Quảng Bình, nay là  Bồ Trạch). Nam quân do Hoàng Tử Phúc Hiệp làm Nguyên Soái ra chống đánh và có ông Vũ Phi Thừa làm Tham Mưu Sự Vụ Cơ Mật (Bộ Tư Lệnh Hành quân tiền phương). Trong quân ngũ ở mặt trận, ông góp bàn các kế hoạch giỏi giúp cho Nguyên Soái Phúc Hiệp và các tướng đánh thắng Bắc quân. Sau đó, Ông Vũ Phi Thừa được thăng chức Nha Úy Suất Lệnh Sử Ty (Bộ Tổng Tham Mưu). Khi ông chết (khoảng cuối thế kỷ 17) có lẽ vào năm 1685? Được Chúa Hiền truy tặng chức Tham Nghị (ngang Thứ Trưởng nay). Đây là 1 nhân tài họ Vũ (Võ) đầu tiên có công với Chúa Nguyễn thứ tư (Chúa Hiền). Rất tiếc chưa rõ làng xã của ông cụ thể ở huyện nào? Hậu duệ ông về sau có ai thành danh không?

4.   VŨ ĐÌNH PHƯƠNG:  Ông là người làng Hòa Luật (sau đổi là Mỹ Hòa, nay là xã Cam Thủy), huyện Lệ Thủy, phủ Tân Bình (nay là Quảng Bình). Sinh ra trong một gia đình họ Vũ (Võ) có truyền thống chuộng văn học và làm văn quan nhiều đời. Cha của ông tên là Vũ Đình Thế đỗ Hương Tiến, từng làm Tri Phủ Qui Ninh (sau là Qui Nhơn). Còn ông Đình Phương, năm 18 tuổi, đời Chúa Thượng Phúc Lan (1635 – 1648), ông thi Hương đỗ Thủ Khoa. Có lẽ ông sinh khoảng năm 1618? Và xấu tướng: mặt rỗ, người lùn, đầu rất to; Thưở trẻ rất chăm học, ham đọc sách, khéo làm văn hay. Vì ông có dị tướng, nên người thời đó gọi ông là “Ông cống Đầu”. Chúa Phúc lan cho gọi vào yết kiến, thấy trạng mạo xấu thế. Bèn bảo rằng: “Đáng tiếc có tài mà không có tướng”, và cho về nhà, không dùng. Ông cống Phương về nhà, xem rộng kinh, sử, thông hiểu binh thư. Năm ông đã 30 tuổi (1647), Chúa Hiền (Phúc Tần) thấy ông học rộng, biết nhiều đã bổ nhiệm ông chức Ký Lục Quảng Bình. Năm Đinh Dậu (1657), mùa hạ, Chúa Trịnh Tráng dưới triều Lê Trung Hưng mất. Chúa Hiền cử ông Phương đi sứ viếng tang (Chúa Tráng là con rễ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, lấy công nữ Ngọc Tú). Năm Canh Tí (1660), Chúa sai Trương Phúc Hùng đi đánh quân Đàng Ngoài. Thấy Phúc Hùng thua, tướng Nguyễn Hữu Tiến họp các tướng lại bàn cách đối phó. Kẻ bàn nên giữ vững, người nói phải đánh, ý kiến không thống nhất. Ông Vũ Đình Phương bảo với chủ tướng Hữu Tiến: “Nên đánh ngay và đánh nhanh gấp sẽ thắng”. Ông Tiến nghe lời ông Phương thực hiện đánh ngay nên có kết quả tốt. Mãi về sau, đến đời Chúa Tộ (Phúc Chua 1691 – 1725), ông thọ 90 tuổi (1707) mới mất, không có con trai nối dòng. Được Chúa truy tặng chức Thái Thường Tự Khanh (như Vụ Trưởng hay Tổng Giám Đốc Nha). Dòng họ Vũ Xuân này có gốc từ Thanh Hóa (1558) đã theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam.

5.   VŨ XUÂN NÙNG:  Ông Nùng là cháu họ xa 5 – 6 đời của ông Đình Phương. Ông Xuân Nùng có tên Tự (chữ đẹp) là Du Trường, có cha là cụ Xuân Thoan, đỗ Hương Cống khoa Ấn Hợi (1695). Cụ Thoan làm quan đến chức Văn Chức Viện, kiêm Giám Trạng. Còn ông Nùng là một người điềm đạm, chăm học, cùng em trai là Xuân Đàm đóng cửa đọc sách suốt ngày. Cả 2 anh em đều giỏi. Ông Xuân Nùng thi đỗ Sinh Đồ (sau là Tú Tài) khoa Mậu Thân (1728). Rồi do là Ấm Thụ (con quan), được bổ chức Tri Huyện, nhưng từ chối, không vội làm quan. Năm 29 tuổi, ông được bổ làm văn chức, rồi thăng làm Cai Bạ Bình Thuận. Năm Kỷ Tỵ (1749) đời Võ Vương Phúc Khoát, thăng làm Ký Lục Quảng Nam (Phó tỉnh nay). Ông nổi tiếng thanh liêm, làm quan biết kiệm ước được dân khen, mến. Chỉ phục vụ việc nước ở xứ Quảng có 5 năm (1753) ông mất tại chức, thọ chừng 60 tuổi ở lỵ sở. Không có con. Chúa Võ Vương phong tặng cho chức Chính trị Thượng Khanh, ban tên Thụy là Thận Cần (cẩn thận và cần mẫn). Sinh thời ông chuộng văn chương, ham bàn luận thơ phú, kinh sử với các sĩ phu. Ông còn chỉ dạy cho kẻ hậu tiến, có 3 người đương thời nổi danh đều do ông đào tạo vậy.

Em ông Xuân Nùng là Võ Xuân Đàm học giỏi, đỗ Hương tiến, làm quan đến chức Tuần Phủ Qui Nhơn khoảng cuối đời Võ Vương (1765) và những năm đầu đời Chúa Định Vương Phúc Thuần (1765-1777). Có lẽ.

6.   Đặc biệt dòng họ Võ này ở làng Hòa Luật – Mỹ Hòa, thuộc huyện Lệ Thủy có nhiều người học giỏi, làm quan. Như ông Võ Xuân Cẩn (1772 – 1852) xuất thân cống sĩ đời Tây Sơn, sau theo Gia Long năm 1802 ở Phú Xuân, được làm ở Viện Hàn Lâm (soạn công văn, chế, chiếu, sắc lệnh …). Trải qua làm quan to từ trong triều đình Huế ra đến các Trấn, Tỉnh hơn 50 năm, trải qua 4 triều vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiên Trị, Tự Đức (1802 – 1852). Cụ là bố đẻ ra Hoàng Hậu Võ Thị Ngọc Duyên, vợ vua Tự Đức (Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu 1828 – 1902). Nên được phong là Lê Quốc Công, Ngự tiền Đại Thần, Thái Bão, Tứ triều Nguyên Lão. Thọ 81 tuổi, ban tên thụy là Văn Đoan. Cụ Võ Xuân Cẩn có con Lâm Chính Phi, Hoàng Hậu, nên được ban phúc ấm cho tiên tổ 5 đời (trên của Khiêm Hoàng Hậu họ Võ):

a.      Cụ Tiên Tổ Vũ Xuân Khoa, được truy tặng chức Đại phu, Hồng Lô Tự Khanh. Tức là cụ Tổ xa 5 đời trên bà Hoàng hậu Tự Đức: Võ Thị Ngọc Duyên.

b.      Cụ Cao Tổ (ông Sơ hay Kị) Vũ Xuân Yên, tặng chức Đại Phu, Hàn Lâm Viện Thị Độc Học Sĩ, tước Thế Lộc Tử; tổ bà họ Phạm được phong tặng Cung Nhân (vợ quan lớn).

c.      Cụ Tằng tổ (Ông cố hay cụ nội) Vũ Xuân Uyên, tặng chức Đại Phu, Hàn Lâm Viện Chưởng Viện Học Sĩ, tước Đức Hoàn Bá. Tổ bà họ Vũ (khác) dòng Vũ Văn, được tặng Thục Nhân.

d.      Cụ Hiển Tổ (ông nội) Vũ Xuân Phổ, truy tặng chức Đại Phu, Thượng Thư Bộ lễ tước Thuận Xương Hầu. Bà Nội họ Vũ Văn được tặng: Đoan Nhân (vợ quan Nhị Phẩm).

e.      Cụ Hiển Khảo (cha đẻ) Vũ Xuân Cẩn (đã có chức vụ thật sự ở trên. Còn các cụ Tô ở trên cụ Cẩn đều là truy tặng cho danh chức để thờ cho có danh dự, vinh hiển thôi. Chứ lúc sinh thời 4 cụ Tổ ở trên không làm quan thật vậy đâu. Cụ bà Xuân Cẩn, mẹ già và mẹ đẻ Hoàng hậu, là họ Bạch và họ Trần đều được tặng Lệ Quốc Phu Nhân (vợ quan nhất phẩm triều đình). Vua Tự Đức còn cho lập đền phủ thờ: Lệ Quốc Công Từ (đường). Cả 4 đời trên cụ Xuân Cẩn thực sự đều là Nho gia giỏi dưới triều các Chúa Nguyễn (từ 1670 – 1772). Có cụ đã làm quan chức thật, nhưng cấp thấp thôi.

Đến ngày nay, con cháu dòng họ Võ Xuân còn tiếp tục sống ở Quảng Bình, ở Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Đáng nể, đầu triều Tự Đức, còn có 1 ông đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thân 1848 là Võ Xuân Xán (sinh 1821) là vai cháu họ Cụ Võ Xuân Cẩn. Sau được phong Thị Lang Bộ Lại (Thứ trưởng Nội vụ nay).

Như thế, đất Quảng Bình xưa (Tân Bình có nhiều dòng họ Vũ (Võ) xuất sắc. Tính ra tỉnh này có hơn 60 thôn, xã (làng xưa) đã có các chi phái họ Vũ sống từ 120 – 550 năm rồi. Và có lẽ, các họ Võ đó là tổ tiên nhiều dòng họ Võ ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Ngãi, Bình Định (dòng Võ Xuân Hoài ở Tuy Viễn), Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai và Sài Gòn Gia Định, Long An, Định Tường, Bến Tre, Vĩnh Long … trước những năm 1775 và sau đó, trong thế kỷ 19? Quảng Bình là đất trung chuyển nhiều họ tộc từ Thanh, Nghệ và Bắc Việt vào Nam Sông Gianh, rồi di cư tiếp vào Nam Trung Bộ, Nam Bộ từ 1627 – 1775 để tránh chiến tranh Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn. Các dòng học cố cựu ở Gia Định, Biên Hòa, Gò Công, Bến Tre, Định Tường, Vĩnh Long thường truyền ngôn cho con cháu rằng: Tổ tiên có gốc cũ ở Ngũ Quảng (Bình, Trị, Đức, Nam, Ngãi) và Bình Định, vô Nam lập nghiệp nhiều đời rồi, tính đến năm 1960, đã khoảng 200 năm. Trong đó có họ Võ, họ Phạm, Lê, Huỳnh, Nguyễn, Trần, Trương, Phan, Bùi, Đỗ, Đoàn, Đặng … đã Nam tiến giữa thế kỷ 18. Mở đất Nam Bộ thật sự từ đó còn mốc 1698 là dấu ấn lập căn cứ Sài Côn thôi. Lúc đó còn hoang sơ lắm. Chưa có thể gia tộc Việt nào đã vào hẳn ở chỉ mới có người Hoa Minh Hương.

Về sau, từ 1755 trở đi, các Chúa Nguyễn sai ông Nguyễn Cư Trinh đem binh vào lấy dần các đất Thủy Chân Lạp (tức Nam Kỳ Lục Tỉnh về sau). Thì bắt đấu có đông người Việt ở miền Trung đi thuyền vào lập nghiệp ở Gia Định và Đồng Nai hơn. Nhưng có sự di tản ồ ạt hàng trăm ngàn người Việt từ Ngũ Quảng và Định, Phú, Khánh vào Nam là năm 1774 – 1775. Khi Bắc quân của Chúa Trịnh Sâm tấn công vào Đàng Trong với danh nghĩa diệt tên gian thần Trương Phúc Loan. Đại quân do 4 tướng họ Hoàng (Ngũ Phúc, Phùng Cơ, Đình Bảo, Đình Thể) chỉ huy tràn qua sông Gianh, đánh chiếm Quảng Bình, Quảng Trị và đầu năm 1775 thì hạ Phú Xuân. Chúa Phúc Thuần phải bỏ chạy vào Gia Định, Đồng Nai, cùng Hoàng Tôn Phúc Dương, Phúc Ánh.

Theo sau là hàng vạn dân giàu có, quý tộc và gia đình các quan, từ Quảng Bình trở vào Bình Định, hoảng sợ, di tản theo nhà Chúa vào Nam, Ngũ, Định, Phú và tiếp tục vào Nam từ 1774 – 1778. Lúc đó có nhiều chi phái Võ ở Thuận, Quảng và Nam, Ngãi theo làn sống di cư đào thoát vào Đồng Nai, Gia Định. Bắt đầu hình thành các dòng Võ Nhân, Võ Tánh, Võ Trường Toản đều từ miền Trung đi vào cả. Nhất là các chi họ Võ Văn, Võ Doãn, Võ Công, Võ Tấn, Võ Duy, Võ Thế, Võ Đăng ở rãi rác ở Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long … đều có người khoa bảng thời nhà Nguyễn (từ 1821 – 1864), cùng các dòng họ khác nổi tiếng Nho học Nam Kỳ, trước khi mất về tay giặc Pháp xâm lược 1878 và đô hộ.

Xem như thế qua dòng lịch sử Nam Tiến, nhiều dòng họ khác là họ Vũ đi theo các đợt mở nước, từ đời Trần Hồ (1306 – 1406) vào Nam qua sông Gianh, ở Phủ Tân Bình, phủ Triệu Phong (Thuận Hóa Châu cũ). Rồi vào Nam, Ngãi, Định, Phú (từ 1470 – 1540). Tiếp theo, vào Bình Khang, Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã phải mất hơn 700 năm (1306 – 2006). Kể luôn các cuộc di cư 1954  – 1955 và sau 1975 – 2000 đã có hàng ngàn chi họ Vũ, Võ từ Bắc Bộ, Trung Bộ vào Nam bộ lập nghiệp. Có thể gần 100 ngàn người ? Sau 55 năm và 35 năm qua, người họ Vũ, Võ ở Nam Bộ có thể gần 1 triệu nhân khẩu, chiếm gần 1/3 người họ Vũ, Võ trong toàn quốc (khoảng 3 triệu 200 ngàn cả thảy. So với  85 triệu dân số Việt Nam (2008), họ Vũ, Võ chỉ có 4% mà thôi.

Viết bài này, chúng tôi cải chính về việc có người đã viết: nhân vật Võ Tánh là Thủy Tổ họ Võ ở Nam Bộ? Hoàn toàn sai lầm và nói bừa bãi. Đã có người họ Võ đến Lục Tỉnh Nam Kỳ từ đầu thế kỷ 18. Gia thế Võ Tánh, Võ Nhàn chỉ vào Nam trong khoảng 1760 là sớm nhất. Trước đó nữa, đã thấy một số nhà họ Võ ở Trung bộ theo ông Nguyễn Cư Trinh (1753) hay đã theo Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ (1708 – 1750) ở Hà Tiên, (như Nho gia Võ Thế Long soạn phả “Hà Tiên Mạc Thị phả”. Hoặc Gia Định xứ Sĩ Võ Trường Toản đã vào Nam trước Võ Tánh? Ông này đã phò Nguyễn Ánh hết lòng đến chết thảm ở thành Qui Nhơn (1801). Trong hơn 30 năm qua (1975 – 2008) đã xóa tên ông trên đường phố nhiều tỉnh thành. Vì ông chống nhà Tây Sơn! Đây không là Tổ họ Võ ở Nam Bộ mà gần đây có Người ngộ nhận do dốt Sử Việt mà viết bừa đi.

Họ Vũ đi từ Bắc vào Trung phải mấy trăm năm, rồi lại đi tiếp qua Đèo Ngang và Sông Gianh cũng vài trăm năm nữa. Hình thành các chi tộc Võ ở Đàng Trong thời gian 1407 – 1700. Sau đó đi vào Đồng Nai, Gia Định trong hơn 300 năm (1700 – 2008). Đã trải qua 700 năm (1307 – 2008), người họ Vũ, Võ chiếm 1 tỉ lệ đáng kể từ Quảng Bình vào Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau. Có gần 2 triệu nhân khẩu? ở tỉnh, thành, huyện, thị xã, thị trấn, Quận, Phường nào cũng có ít nhiều người mang họ Vũ, Võ. Có lẽ chỉ đứng sau 5 họ: Nguyễn (33%), Trần (9%), Lê (8%), Phạm (4.5%), Huỳnh Hoàng (4%) như họ Võ, Vũ (4%). Còn các họ khác ở Nam Bộ chỉ từ 3% trở xuống, cho đến 0.01% ở các họ gốc Hoa, Khmer, Champa (Chàm).

Họ Vũ, Võ và 9 họ Phạm, Hoàng Huỳnh, Phan, Trương, Đỗ, Đào, Đặng, Đoàn, Bùi. Tuy được xếp vào các họ lớn ở Việt Nam xưa nay. Nhưng là các họ không lập ra 1 triều đại nào trong lịch sử lập quốc Việt Nam. Không hề có vua, chúa cầm quyền như các họ Đinh, Ngô, Lê, Lý, Trần, Hồ, Trịnh, Nguyễn, Mạc. Đó là nét đặc thù về họ tộc Việt Nam, mà họ Vũ, Võ khá phổ thông, ở đâu cũng thấy. Nhưng không thể có đến 7 triệu người như Cụ Võ Quang Phúc và ông Vũ Tuấn mới đây là yêu họ mình quá đã cao hứng phát biểu không có cơ sở thống kê? Các nhà nghiên cứu chỉ cười./..

Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp sưu khảo năm 2010

Bình luận

Chưa Có Nhận Xét Đăng nhận xét

• Chèn link bằng thẻ: <a href="Link" rel="nofollow">Tên</a>
• Tạo chữ <b>đậm</b><i>Ngiêng</i>
• Không SPAM bạn nhé!
● Không đặt từ khóa trong tên người bình luận
● Tích vào ô "Thông báo cho tôi" để nhận thông báo phản hồi của Admin
● Vui lòng sử dụng từ ngữ có văn hóa khi bình luận!